Lời mở đầu
Khi nói về sự phân bố mỡ(chất béo), ta thường nói về sự phân bố mỡ kiểu nữ (gynoid) và sự phân bố mỡ kiểu nam (android). Phân bố mỡ kiểu gynoid được đặc trưng bởi mỡ tích tụ ở các vùng như vú, hông, đùi và mông trong khi phân bố mỡ kiểu android đặc trưng bởi mỡ tích tụ quanh vùng bụng.
Phân bố mỡ gynoid có phần trăm tỷ lệ lượng mỡ dưới da cao hơn phân bố mỡ android rất nhiều. Trong khi đó, android lại có tỷ lệ phần trăm mỡ nội tạng cao hơn gynoid(mỡ xung quanh khoang bụng, nội tạng). Đây là điểm khác biệt quan trọng, vì mỡ nội tạng làm tăng nguy cơ với các bệnh tim mạch, cùng với đó, nghiên cứu cho thấy phụ nữ tiền mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn nhiều nhờ phân bố mỡ kiểu gynoid. Ngoài ra, sự khác nhau giữa hai kiểu này còn thể hiện ở cách các chất béo được chuyển hóa (lipolysis – phân giải mỡ) và tổng hợp (lipogenesis – tạo mỡ) ở mức độ khác nhau trong các mô.
Vì chất béo là kho dự trữ năng lượng của cơ thể, nên nó có thể được xem như một cơ quan và trên thực tế, nó chính là một cơ quan nội tiết. Chất béo tạo ra leptin, một loại hormone có vai trò trung tâm trong việc duy trì tỷ lệ mỡ của cơ thể, nó là một phần của hệ thống hormone leptin/ghrelin/insulin liên quan đến cảm giác đói và kiểm soát cân bằng năng lượng của cân bằng nội môi. Leptin cùng với insulin và nồng độ của chúng trong tuần hoàn máu tương ứng với tỷ lệ mỡ trong cơ thể.
Hormone có nhiều cách để tác động vào quá trình chuyển hóa mỡ và quá trình tạo mỡ. Nhưng những tác động này có thể phân ra 2 loại, đó là tác động trực tiếp hoặc tác động ngoại vi.
Tác động trực tiếp
Hormones trực tiếp điều chỉnh thụ thể androgen hoặc thụ thể estrogen trên tế bào mỡ, dưới đây là 1 số ảnh hưởng trực tiếp của hormones:
- Trong lớp mỡ dưới da, estradiol hoạt động thông qua thụ thể estrogen alpha (ERα) để điều tiết các thụ thể α2A-adrenergic, làm tăng mật độ của thụ thể này trong các tế bào mỡ, dẫn đến giảm chuyển hóa mỡ. Estradiol không tác động đến nồng độ của thụ thể α2A-adrenergic trong các khu vực mỡ nội tạng.
- Hấp thụ axit béo là quá trình axit béo được hấp thụ từ máu vào các tế bào mỡ, tế bào cơ và tế bào gan. Trong các tế bào này, dưới sự kích thích của insulin, các axit béo tạo thành các phân tử chất béo và được lưu trữ dưới dạng các giọt chất béo. Tỷ lệ hấp thụ axit béo bình thường ở nữ thấp hơn so với nam tại các khu vực mông và đùi. Sau khi ăn, tỷ lệ hấp thụ axit béo ở cả 2 giới đều tăng tại khu vực bụng, nhưng ở nữ nó được lưu trữ phần lớn ở dưới da, ở nam được lưu trữ phần lớn xung quanh nội tạng.
- Trong các hoạt động kéo dài sử dụng nhiều năng lượng, estrogen có xu hướng làm cho cơ thể tăng chuyển hóa chất béo nhiều hơn, trong khi ở nam với lượng estrogen thấp làm tăng chuyển hóa glucose và axit amin. Những người nam khi được cho sử dụng estrogen đều cho thấy có sự giảm chuyển hóa carbohydrate và axit amin, tăng chuyển hóa chất béo.
- Testosterone làm tăng quá trình phân giải mỡ (chuyển hóa chất béo), ức chế hoạt động của lipoproterin lipase (enzym này chuyển đổi triglyceride thành axit béo thích hợp cho sự trao đổi chất của tế bào) và giảm sự tích tụ của triglyceride trong mô mỡ. Quá trình này xảy ra phần nhiều tại các mô mỡ dưới da.
- Thụ thể Estrogen alpha (ERα) được tìm thấy có liên quan đến hoạt động chống béo phì của cơ thể.
Tác động ngoại vi
Tác động ngoại vi của estrogen và androgen chủ yếu qua não. Cụ thể, thay vì tác động trực tiếp lên các tế bào mỡ, chúng tác động vào vùng dưới đồi – trung tâm điều hòa lượng mỡ và chuyển hóa của cơ thể, gây các tác dụng lên nhiều khía cạnh khác nhau của quá trình chuyển hóa ví dụ: tốc độ chuyển hóa chất béo, tốc độ hấp thụ chất béo, cảm giác đói,…
Leptin và các hormone
Leptin là một loại hormone được tiết ra từ chất béo và là một trong những cách điều hòa cảm giác đói. Khi nồng độ leptin tăng, tương quan với giảm cảm giác đói, giảm tổng trọng lượng cơ thể. Leptin được tiết ra ở khu vực mỡ dưới da nhiều hơn là khu vực mỡ nội tạng. Do đó, khi sử dụng estrogen làm cho tỷ lệ mỡ dưới da cao hơn, kết quả là làm giảm cảm giác đói (hiệu ứng chán ăn), ngoài ra leptin cũng tác động vào tín hiệu của vùng dưới đồi. Khi trong cơ thể có mức Androgen cao, rất ít hoặc không có estrogen, các tín hiệu của insulin chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc điều hòa cảm giác đói và tiêu hao năng lượng.
Kết luận các tác động liên quan đến liệu pháp hormone nữ hóa
Rõ ràng là bất kỳ kết luận nào về liệu pháp hormone nữ hóa tiêu chuẩn cùng với tác động lên quá trình phân bố mỡ đều là suy đoán và dựa trên kiến thức về cách hormone tương tác với chất béo. Mặc dù vậy, chúng ta có thể đưa ra một số kết luận hợp lý (và cũng được hỗ trợ bởi các bằng chứng quan sát):
- Khi nồng độ testosterone giảm, lượng mỡ tổng thể trong cơ thể tăng lên (vì nồng độ testosterone cao ức chế sự hình thành tế bào mỡ và giảm sự hấp thu chất béo tổng thể). Đặc biệt là khi mỡ dưới da tăng nhiều làm cho nồng độ leptin tổng thể tăng lên. Hiệu ứng này có thể làm giảm cảm giác đói và gây giảm cân nói chung.
- Mỡ nội tạng giảm so với tổng lượng mỡ của cơ thể có thể do leptin, tốc độ luân chuyển mỡ nội tạng giảm, do đó cả sự hấp thu cũng như sự chuyển hóa mỡ nội tạng đều giảm.
- Cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với leptin, giảm nhạy cảm với insulin.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên quần thể người chuyển giới cho thấy trọng lượng cơ thể tăng:
- Trong quá trình sử dụng liệu pháp hormone nữ hóa 12-24 tháng, tổng khối lượng chất béo tăng lên và tổng khối lượng nạc(không phải mỡ) giảm.
- Trung bình trong 8 năm, tổng khối lượng nạc giảm khoảng 20% trong khi tổng khối lượng mỡ tăng khoảng 30% so với nhóm đối chứng là nam hợp giới.
- Khi điều trị bằng ethinyl estradiol và các thuốc kháng androgen, lượng mỡ dưới da tăng lên đáng kể và lượng mỡ nội tạng cũng tăng theo tỷ lệ.
Nguồn: Lain M./Transfeminine Science